ĐỀN PHÙNG HƯNG
(Theo tài liệu Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch thị xã Sơn Tây)
Phùng Hưng quê ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Tương truyền ông là người có sức khỏe phi thường, đánh được hổ, vật được trâu. Cha ông là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài đức độ. Theo sự tích, ông bà sinh được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm. Khoảng từ 766-779, Phùng Hưng tập hợp nghĩa quân, xưng là Đô Quân, đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Sau nhiều năm dấy binh, nghĩa quân của Phùng Hưng đã vây đánh và chiếm được thành Tống Bình. Ông giữ quyền tự chủ được 7 năm rồi mất (791). Ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
Sau khi Phùng Hưng mất, nhân dân xây dựng đền thờ ông tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm. Đền Phùng Hưng nằm ở vị thế đắc địa, có án tựa, tay ngai, trên gò đất cao giữa làng, xung quanh là làng xóm dân cư đông đúc; nhìn ra dòng sông Tích quanh năm êm đềm. Ngôi đền còn tồn tại hiện nay đã được trùng tu lớn vào thế kỷ XIX gồm các hạng mục: Nghi môn, tả - hữu mạc, đại bái, hậu cung. Xung quanh là vườn cây cổ thụ biểu thị cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
Bước vào đền chúng ta chúng ta cảm nhận được một tích truyện độc đáo về vị anh hùng dân tộc. Cổng đền có đôi cột trụ dáng cao vút, trên thắt cổ bồng, đường gờ, ô đèn lồng tạo dáng vẻ gần gũi với bản sắc văn hóa dân tộc; trên có ghi câu đối ca ngợi công đức của Phùng Hưng. Hai bên là tả hữu mạc. Qua một khoảng sân rộng, bước lên bậc tam cấp là vào tới đại bái của đền. Đây là tòa nhà 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, trên lợp ngói mũi hài. Vì nóc làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Có 08 đầu dư được chạm trổ tinh xảo, bờm thẳng mập, râu uốn bay về phía sau, đôi mắt tròn, sáng, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Qua một khoảng sân hẹp là tới hậu cung. Đây là tòa kiến trúc gồm 3 gian, được xây kiểu đầu hồi, bít đốc tay ngai, ngoài làm cột trụ đèn lồng, thể hiện sự bền chắc, thâm niên, tôn kính. Đặc biệt trên đỉnh cột trụ đắp hình bầu rượu hứng nước trời để sự sống trường sinh bất tử. Nước - Trời - Đất thể hiện sự hòa hợp, cân bằng của tự nhiên, cho ta cảm giác thanh thản, tâm linh trong sáng. Phía trong hậu cung có đặt tượng thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, được tạo tác bằng đồng uy nghi.
Đền Phùng Hưng là nơi ghé thăm không thể thiếu của du khách mỗi dịp đến Đường Lâm, đặc biệt vào dịp Tết đến, xuân về, vào ngày giỗ Vua Phùng Hưng - mùng 8 tháng Giêng âm lịch.