Trước sự cai trị của nhà Đường, Phùng Hưng đã đứng lên, tập hợp các anh hùng hào kiệt trong cả nước, với ý chí giành lại giang sơn.
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, quê ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ngài được Nhân dân tôn thờ là thần - Thần vua, bởi khi sống Ngài là một vị vua, một chủ tướng uy dũng, nhân hậu; chết đi Ngài vẫn luôn hiển linh phò trợ Nhân dân, phò trợ đất nước.
Thời Đường, ở thôn Cam Lâm, dòng họ Phùng thuộc loại giàu có, truyền qua 5 đời đều là quan Lang, làm tù trưởng Châu Đường Lâm. Đến Phùng Viễn thì sinh con trai trưởng là Phùng Hưng. Ba năm sau lại sinh hai con trai nữa là Phùng Hải và Phùng Mâu. Đến tuổi trưởng thành ba anh em họ Phùng đều là những chàng trai dũng mãnh, có sức khỏe phi thường, nổi bật là Phùng Hưng. Tương truyền, một lần vào rừng, Phùng Hưng bị hổ vồ, ông đã tránh được rồi vật nhau với hổ, đánh chết hổ, mang về. Khi nối nghiệp cha làm tù trưởng Châu Đường Lâm, Phùng Hưng đã được các châu ấp lân cận mến phục.
Trước sự cai trị của nhà Đường, Phùng Hưng đã đứng lên, tập hợp các anh hùng hào kiệt cứu trong cả nước, với ý chí giành lại giang sơn. Phùng Hưng cùng 2 người em lập một đàn tràng, thảo sớ tấu trình Ngọc Hoàng Thượng đế xin phù hộ việc dấy binh khởi nghĩa thành công. Tương truyền, khi ấy là đầu tháng Ba âm lịch. Trong buổi tế ấy, đột nhiên có đám mây ngũ sắc sà xuống, một tiên ông tóc bạc trắng đỗ hạc bước ra và nói ở Tây Vực, cảm động trước tấm chân tình của 3 anh em mà tới. Tiên ông lấy từ túi áo ra một chiếc móng rồng và một khối ngọc, đưa cho Phùng Hưng rồi cưỡi hạc bay đi trong đám mây ngũ sắc. Ba anh em tế tâu Ngọc Hoàng, liền thầy bốn thiên thần đội mũ trụ, cưỡi mây bay xuống nói Ngọc Hoàng phái Tiên ông xuống cho Ngài hai báu vật ấy, một làm chuôi kiếm, một làm quốc ấn để dùng vào việc giữ nước.
Nghe lời Ngọc Hoàng, ba anh em Phùng Hưng đã chế tạo một thanh kiếm thật sắc, rồi tra vào chuôi được làm từ móng rồng, ở giữa khắc ba chữ “Thiên linh kiếm”. Còn khối ngọc đã sẵn có hình vuông, chỉ khắc vào mấy chữ là thành quốc ấn, hai báu vật đó được gọi là “Thiên bảo ấn”.
Anh em Phùng Hưng đã đi khắp nơi, thông qua việc tổ chức các sới vật để chọn người tài. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo. Đi đến đâu, phục tài anh em Đô Quân, các đô vật đều nhiệt tình hưởng ứng việc dựng cờ khởi nghĩa của họ. Trở về Đường Lâm, anh em Phùng Hưng mở cỗ mời các trang ấp trưởng và bàn chuyện khởi nghĩa. Tại đây, Phùng Hưng đưa ra “Thiên linh kiếm” và “Thiên bảo ấn” khiến mọi người vô cùng bái phục và nguyện đi theo, trong mấy ngày Phùng Hưng đã tuyển mộ được mấy ngàn dân binh và dẫn quân xuống phía nam (vùng Thanh Oai ngày nay) để tập luyện, phiên chế quân ngũ. Nghe tin, hàng vạn dân binh khắp nơi cùng kéo đến xin xung quân.
Mùa Hạ, năm 791 đội quân Phùng Hưng chia làm hai ngả, bao vây thành Đại La (Hà Nội ngày nay), Cao Chính Bình phụ trách Đại La đành phải thủ thành rồi cho người lẻn ra ngoài, xin tiếp viện. Thành Đại La bị vây chặt, viện binh nhà Đường đến đều bị ta đánh tan. Suốt 3 tháng bị bao vây, tướng giặc quá lo lắng, bị bệnh mà chết. Quân ta đồng loạt tiến công, khiến quân giặc phải đầu hàng. Tướng sĩ suy tôn Phùng Hưng là Vi đô Tướng quân. Ở ngôi vị mới, Phùng Hưng lập tức cùng mọi người bắt tay vào việc chấn hưng đất nước, xây thành đắp lũy, luyện tập binh mã, khôi phục, giữ gìn các mỹ tục trong nước…
Một góc làng Cam Lâm - Quê hương của Phùng Hưng
Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở Đường Lâm, Sơn Tây
Lăng mộ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở quận Đống Đa, Hà Nội
Hội làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì với múa đĩ đánh bồng, chạy cờ nhằm tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã về đây luyện binh, trước khi đánh giặc
Sự nghiệp chấn hưng đất nước của Phùng Hưng còn đang dang dở thì ông mất. Đó là năm 798. Phùng Hưng tại vị và lo liệu công việc quốc gia chỉ được 7 năm (dân gian lại lưu truyền ông sinh ngày 25-11-761 và mất ngày 13-9-802, thọ 41 tuổi). Thương tiếc cho một vị chủ tướng chưa kịp xưng Vương đã phải ra đi, Nhân dân và binh sĩ đã suy tôn Phùng Hưng là Bố Cái - Bố Cái Đại Vương (tức cha mẹ Đại Vương). Trong dân gian và một số sách dã sử lưu truyền câu chuyện: Sau khi bình định đất nước, trong buổi khao quân, Phùng Hưng hỏi binh lính chức gì là to nhất. Binh lính trả lời: Chức Đại Vương (Vua lớn). Ông liền nói, vậy ta sẽ là Bố Cái Đại Vương (cha mẹ của Đại Vương). Còn theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có ghi, sứ thần Lê Tung gọi Phùng Hưng là Phùng Bố Cái.
Mộ Phùng Hưng được táng tại phía tây bắc Kinh thành và được lập miếu thờ. Ngày nay, ở đầu phố Giảng Võ - Hà Nội, vẫn còn ngôi mộ của Ngài, trên có văn bia, đề bốn chữ “Phùng Hưng cố lăng”. Tại Cam Lâm, quê hương của Phùng Hưng dân chúng đã lập miếu thờ. Ông được Nhân dân ghi nhớ công ơn và ca tụng. Nhiều nơi trong cả nước đã suy tôn ông là thành hoàng và thờ tại các đình làng, nhiều nhất là ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Phùng An, con trai trưởng của Phùng Hưng lên thay cha, nhưng không giữ được đất nước, nên hai năm sau nước ta lại rơi vào tay giặc phương Bắc.
Sau khi mất, tương truyền Phùng Hưng đã nhiều lần hiển linh, phò trợ đất nước, tiêu biểu như việc ông xuất hiện trong giấc mộng của Ngô Quyền (người cùng quê, sinh sau ông hơn 100 năm), trước khi Ngô Quyền xuất quân đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại độc lập dân tộc sau 1.000 năm bị đô hộ.
Sau trận thắng trên sông Bạch Đằng, vua Ngô Quyền về quê tạ ơn và xuống chiếu lập đền thờ Phùng Hưng to hơn quy mô cũ và tổ chức lễ hội thật long trọng. Các triều đại về sau đều có sắc phong Phùng Hưng là thượng đẳng thần. Nhiều sách cổ đã viết về ông và những công lao với dân với nước của ông, như: Việt Điện Thông Giám Cương Mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh…, cùng nhiều công trình khoa học của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học hiện đại. Ở Hà Nội, lăng mộ, đền thờ và các di tích liên quan đến Phùng Hưng đều được các cấp chính quyền và Nhân dân quan tâm, chăm sóc chu đáo. Lễ kỉ niệm ngày sinh, ngày mất của ông hàng năm đều được thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây tổ chức, với lòng thành kính và tri ân.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây thành kính tưởng niệm 1225 năm ngày giỗ
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (798-2023)
Ghi nhớ công lao của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, ngày nay, nhiều trường học, đường phố ở Hà Nội và cả nước đã mang tên Phùng Hưng. Xứ Đoài còn có một số giải thể thao mang tên Ngài.
Một góc phố Phùng Hưng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Theo THANH THANH / SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI