(Thứ sáu, 02/05/2025, 12:22 GMT+7)

Trường Sơn, Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.
(Nhà thơ Tố Hữu)

Có lẽ trên thế giới, hiếm có một con đường nào mang trong mình nhiều huyền thoại như Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam và ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đã có nhiều thống kê, so sánh, nhưng chắc chắc khó có thể đủ đầy. Trường Sơn là chiến trường rộng nhất, trải dài trên mười một tỉnh của Việt Nam, bảy tỉnh Trung - Nam Lào và bốn tỉnh Đông Bắc Campuchia. Là chiến trường chiến đấu trong thời gian dài nhất: 16 năm, từ tháng 5 năm 1959 đến hết tháng 4 năm 1975. Là chiến trường mà bộ đội công binh mở nhiều con đường nhất: 5 trục dọc, 21 trục ngang với tổng chiều dài gần 20.000km. Là chiến trường điện thoại được mắc tới tất cả các cấp đại đội và tương đương. Đây cũng là chiến trường bắn rơi nhiều máy bay của Mỹ và tay sai nhất: 2.454 chiếc; hứng chịu nhiều bom đạn nhất: 4 triệu tấn; có số người bị nhiễm chất độc hóa học nhiều nhất; có lực lượng bộ đội nữ và nữ thanh niên xung phong nhiều nhất…

Góp phần làm nên một Trường Sơn huyền thoại, phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo hùng hậu. Đó là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo họa sĩ, điêu khắc, nhạc sĩ, văn công, tuyên văn, với các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ, trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ, góp phần hun đúc và xây dựng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn - Bộ đội cụ Hồ. Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng nhất, nhiều trường ca ca ngợi nhất, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh nhất. Chính sự xum xuê của các loại hình văn học nghệ thuật, báo chí khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa và thương hiệu Văn nghệ sĩ Trường Sơn. Văn nghệ sĩ Trường Sơn đến hôm nay đội ngũ vẫn điệp trùng như những ngày còn bom đạn trong những cánh rừng. Ký ức của hàng chục vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từ những tác phẩm văn học nghệ thuật báo, chí ra đời ở Trường Sơn, phục vụ người chiến sĩ và nhân dân cả nước, mãi đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

Nhắc đến đội ngũ văn nghệ sĩ Trường Sơn không thể không nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Gửi em cô thanh niên xung phong; Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Lửa đèn; Nhớ. Sau đó là các tập thơ: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971). Phạm Tiến Duật theo cách nói của nhà thơ Vương Trọng chính là Người lĩnh xướng của dàn thơ chống Mỹ. Có những chuyện về anh, về thơ anh đã trở thành huyền thoại: Một đơn vị nhỏ bị vây lấn trên đồi, chịu bao nhiêu ác liệt và thiếu thốn, khi được vô tuyến cấp trên hỏi, các anh cần gì nữa để giữ chốt, họ đã trả lời: “Chúng tôi chỉ cần thêm thơ Phạm Tiến Duật!”. Và đồng đội bên ngoài đã nhồi thơ Phạm Tiến Duật vào đạn cối để bắn lên chốt cho họ!

Một trong những nhà văn sáng tác thành công, có nhiều tác phẩm về Trường Sơn là Nguyễn Minh Châu. Mảng sáng tác về Trường Sơn là một mảng lớn trong sự nghiệp của nhà văn. Ông luôn tâm niệm: Không có đời sống thì không có tác phẩm văn học. Lặng lẽ có phần khiêm cung, người con của làng Thơi, của những chợ Ngò, chợ Giát hóa ra lại là người sớm có mặt ở Trường Sơn. Chỉ bằng vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đã đủ thấy tài năng và tâm huyết của Nguyễn Minh Châu với con đường huyền thoại. Lứa tuổi học trò nhiều thế hệ, các sinh viên hôm nay và mai sau hẳn trong tâm hồn luôn thấm đẫm một mảnh trăng cuối rừng ngân nga như một sợi chỉ xanh đọng lại trong tâm hồn mình. Ông là một nhà văn Trường Sơn đặc biệt với những Dấu chân người lính; Những người đi từ trong rừng ra; Những cánh rừng đầy giấy bay đã ăn sâu bám rễ đối với mỗi cán bộ chiến sĩ và nhân dân khi nhắc về kháng chiến chống Mỹ.

Một nhà văn chính hiệu Trường Sơn - 559 là nhà văn Lê Lựu với cuốn sách viết trực diện về những người lính mở đường Trường Sơn, đó là tiểu thuyết Mở rừng. Cũng ít ai biết rằng thời gian đó, ông đã có lần tháp tùng nhà văn đàn anh Nguyễn Minh Châu đi thực tế ở Trường Sơn, đi cắp tráp học thầy. Vào Trường Sơn, đi bám sát các trận đánh, bám sát dân công, bộ đội hành quân. Lê Lựu hớn hở ghi ghi chép chép đặc kín các quyển sổ trong nhiều chuyến đi diễn ra liên miên. Mỗi khi nhắc đến những ngày tháng sống ở Trường Sơn cùng với các chiến sĩ công binh mở đường, những cô gái thanh niên xung phong tinh nghịch, những anh bộ đội lái xe vui tính và đặc biệt là những cô văn công Trường Sơn, Lê Lựu rất xúc động. Anh em văn nghệ sĩ từng một thời chiến đấu hoặc đang sáng tác về Trường Sơn luôn tìm tới Lê Lựu. Trong trái tim ông, những gì của Trường Sơn hôm qua và hôm nay, huyền thoại và hiện thực luôn luôn thôi thúc và hình thành một lẽ ứng xử trong đời sống. Lê Lựu là người sống rất nội tâm, có không ít lúc ông cũng rơi vào những hố thẳm thị phi của cuộc mưu sinh thường nhật, nhưng những cái níu ông trở lại, cân bằng đời sống nội tâm của ông bao giờ cũng là những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn.

Đặc biệt, tôi đã gặp gỡ và làm việc với nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng, một người lính Trường Sơn thực thụ. Ông vào Trường Sơn cầm máy và cầm bút cùng lứa Cao Cân, Phạm Ngọc Huệ, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Vĩnh Phúc, Lục Văn Thao, Hoàng Đình Tài, Trần Nhương… Sau chiến tranh, người lính Trường Sơn ấy vẫn vẹn nguyên một tinh thần máu lửa Trường Sơn. Thật kinh ngạc và thán phục, khi bước vào tuổi tám mươi, người lính Trường Sơn ấy đã tự hoạch định lịch trình cho mình mà chỉ cần nhìn vào đã thấy được sức vóc, khát vọng và sức bền của vị bạch đầu quân như là huyền thoại: Triển lãm Đất nước qua ống kính Hoàng Kim Đáng lần thứ 5; Lễ ra mắt 5 công trình ra đời ở tuổi 80 gồm: Vinh quang nhiếp ảnh Việt Nam (Sách ảnh); Tình thơ - Ảnh nghệ (Thơ - Ảnh); Những dòng cảm xúc chân thực (Bút ký, phóng sự, tản văn); Vĩ nhân thời đại; Nhiếp ảnh Việt Nam - Thực tiễn và lý luận (Tiểu luận tập II). Người lính Trường Sơn ấy còn đề ra lịch trình rằng nếu còn sống sẽ làm tiếp hai công trình nữa: Trường Sơn những năm đánh Mỹ; Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp - Danh tướng thế giới thế kỷ 21.

Người phóng viên Hoàng Kim Đáng những ngày làm tờ tin Trường Sơn gang thép, tờ báo Trường Sơn cùng đồng đội dường như đã quá quen và thích nghi một cách nhẹ nhàng với những vần xoay của mỗi khúc quanh đời sống. Chúng ta từ trong rừng già Trường Sơn bom đạn trở về cuộc sống hòa bình để gây dựng và trổ những sắc hoa hữu ích cho đời sống chứ không có thời gian cho than vãn, đòi hỏi. Kể cả nỗi sợ hãi càng không. Những người lính Trường Sơn luôn biết tự quên mình đi để đưa những tinh hoa cuộc sống lên phía trước là vì vậy. Hàng vạn người lính Trường Sơn không trở về.

Trong ký ức của nhà văn Xuân Phượng kể về những kỷ niệm với họa sĩ quân đội Phạm Thanh Tâm khi cả hai ở độ tuổi ba mươi ở Trường Sơn là những hình ảnh đẹp của những văn nghệ sĩ một thời: “Chúng tôi gặp nhau lần đầu khi cả hai ở khoảng độ tuổi ba mươi. Trong quân đội thời chống Pháp chúng tôi cùng thuộc đội pháo binh. Rồi cuộc đời xô đẩy, tôi trở thành phóng viên chiến trường, anh Tâm trở thành họa sĩ ký họa tại mặt trận.

Họa sĩ như anh Tâm thời đó thường phải một thân một mình - bạn đồng hành là giấy bút, phương tiện đi lại là đôi chân. Những người chưa từng đi bộ ở đường Trường Sơn chắc khó mà tưởng tượng được: đá tai mèo sắc nhọn dưới chân cũng phải bươn lên mà đi, đến nơi có mệt mỏi cũng hết lòng hoàn thành nhiệm vụ.

Phóng viên hay người làm phim như tôi dù khó khăn nhưng ít nhất cũng được hỗ trợ xe cơ giới, tiếp tế lương thực tốt hơn. Vì vậy khi đi quay phim, tôi thường rủ anh Tâm đi cùng, hoặc anh Tâm đề nghị đi chung. Những mặt trận khốc liệt như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh, chúng tôi đều đã cùng nhau đi qua. Hai anh em nhờ đó mà trở nên thân thiết”.

Lứa văn nghệ sĩ, báo chí bậc tiền bối của chúng ta đã từng công tác và sáng tác ở chiến trường chống Mỹ là như vậy.

Không thể hình dung cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta thiếu đi những người lính của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Càng không thể hình dung nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỉ vắng bóng những người nghệ sĩ - chiến sĩ. Từ hàng triệu thước phim đã phải trả bằng máu, nối nhau hiện ra những năm tháng hào hùng, chiến đấu và hy sinh, suy tư và day dứt, những trăn trở, những bước ngoặt, những khát khao hòa bình - độc lập - tự do - thống nhất của một dân tộc luôn ở trên tuyến đầu đấu tranh giữ gìn phẩm chất tốt đẹp nhất, tiến bộ nhất của loài người. Từ những thước phim ấy, người xem trong nước và nước ngoài nhận ra vẻ đẹp của con người Việt Nam. Từ những thước phim ấy, vẻ đẹp của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đụng đầu lịch sử đã hiện lên chân thực, sinh động và xúc động đã đánh thức hàng triệu trái tim khắp toàn cầu. Đó là những thước phim được sinh ra trong lòng cuộc chiến đấu, được ghi lại bởi những người vừa cầm súng vừa cầm máy ngay tại chiến hào.

Đó là đạo diễn điện ảnh Lê Thi sinh năm 1944 tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ tấm bé, Lê Thi đã vô cùng chăm chỉ và rất có năng khiếu âm nhạc. Năm 1962 Lê Thi tốt nghiệp trường âm nhạc Việt Nam và làm việc tại Sở Văn hóa Hà Nội. Lê Thi còn có một đam mê khác đó là quay phim và ông đã quyết tâm theo học thêm ngành này để từ đó phim ảnh gắn chặt với ông tới tận hôm nay. Năm 1966, Lê Thi nhập ngũ làm chân quay phim cho Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đó là những tháng ngày không thể nào quên với chàng trai Lê Thi tuổi đôi mươi mang trên minh bộ quân phục và khát vọng được thể hiện những thước phim về chiến tranh bằng tất cả tâm huyết của người chiến sĩ. Đối với các văn nghệ sĩ trong chiến tranh chống Mỹ thì nghề quay phim là nghề nguy hiểm nhất bởi anh phải chĩa máy hướng thẳng vào nơi ác liệt nhất, chỗ máy bay đang bổ nhào thẳng đến trút bom, nơi trận đánh đang diễn ra hết sức ác liệt và đương nhiên hứng vào mình bom đạn. Đã có rất nhiều chiến sĩ quay phim Điện ảnh Quân đội nhân dân hy sinh tại Trường Sơn giữa các trận đánh như thế.

Đường Trường Sơn không chỉ của những người chiến sĩ Trường Sơn, đó là con đường giải phóng dân tộc, của tất cả mọi người nên được các văn nghệ sĩ sáng tác rất nhiều. Ai vào chiến trường mà không qua Trường Sơn. Rất nhiều tân binh có học vấn vào Trường Sơn, và chính họ đã thấm đẫm trong thực tế chiến đấu mà trở thành văn nghệ sĩ. Đội ngũ từ Trường Sơn sinh ra có Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Duy, Trần Nhương, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát (văn thơ), Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, Bùi Quang Ánh… (họa sĩ), Hoàng Kim Đáng, Vương Hồng… (nhiếp ảnh). Một số lớn tác giả vào Trương Sơn và đã cho ra đời nhiều tác phẩm như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú… các nhạc sĩ Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung… Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Có thể nói chính họ đã làm nên diện mạo văn học nghệ thuật chống Mỹ.

Hiếm có một cuộc chiến tranh nào lại có những vẻ đẹp và tính nhân văn của người chính nghĩa được ngay người trong cuộc tự ghi lại chân thực như thế. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Ở Trường Sơn còn có những huyền thoại khác. Đó là những cô gái mảnh mai không phải làm thơ, ca hát mà là ôm vô lăng những chiếc xe tải hàng chục tấn chạy trong mưa bom bão đạn. Chiến trường. Đạn bom. Sự sống và cái chết mong manh, ẩn hiện. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, những bàn tay, khối óc mười tám đôi mươi. Tầng tầng lửa, núi cao, vực sâu thách thức, ngang ngửa trập trùng. Những nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn mảnh dẻ dáng hình con gái như cánh lan rừng hiện ra mộc mạc. Những vòng vô lăng tròn quay xuyên đạn bom, xuyên mưa nắng, xuyên thời con gái hướng ra phía trước. Buồng lái xe là buồng con gái, một chút riêng ao ước, đơn sơ. Những cung đường bom đạn nhất các chị đều có mặt. Người con gái quê Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đều gặp nhau ở Trường Sơn nơi tuyến lửa. Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay. Những lời thơ ấy của Phạm Tiến Duật chính là viết về các chị. Các chiến sĩ nữ lái xe tải Trường Sơn đã vạch ngang một nếp son mềm mài, độc đáo và kỳ diệu vào chiến thắng. Chính những hình ảnh đó đã ám ảnh thế hệ chưa từng qua chiến tranh như chúng tôi sau này.

Những đóng góp của văn nghệ sĩ, báo chí với Trường Sơn, từ Trường Sơn mãi là bài học giàu giá trị nhân văn, khẳng định tâm hồn và trí tuệ của bộ đội Việt Nam, con người Việt Nam trong những giờ khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh đúng theo tinh thần mà tổ tiên ta truyền dạy: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân mà thay cường bạo.

Đó còn là sự hun đúc để lớp trẻ hôm nay rèn luyện, tự nâng mình lên trong cuộc sống đang ngày càng sôi động và phức tạp.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI