(Thứ sáu, 03/05/2024, 08:37 GMT+7)

Thành cổ Sơn Tây  được xây dựng vào năm 1822 vào thời vua Minh Mệnh (triều Nguyễn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Tự Đức (1848-1883) thì "Thành tỉnh Sơn Tây cao chu vi 362 trượng 2 thước (1.304,8m, cao 1 trượng 1 thước (4,4m), mở 4 cửa, hào chu vi 448 trượng (1.792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m)". Thành Sơn Tây là một trong bốn tòa thành đẹp nhất xứ Bắc Kỳ (Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định).


Thành cổ Sơn Tây - Di tích lịch sử Kiến trúc quốc gia (Ảnh: Hà Linh)

Thành có diện tích khoảng 16ha, được xây hình tứ giác, theo kiểu Vauban. Tường thành được xây bằng đá ong, để "mộc", không trát ngoài, lâu ngày được oxi hóa, chuyển sang màu đỏ cánh gián trông rất đẹp. Mặt thành đắp đất rộng 3m, hơi chếch về phía trong, có thể đi lại được, chân thành rộng 6m. Ở mỗi mặt thành, vào khoảng giữa, tường thành lại vòng ra theo hình bán nguyệt, có cổng ra vào, trên có chòi canh. Thành có 4 cổng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong thành có nhiều công trình như: Kỳ đài, Vọng Cung, Đoan Môn, Dinh Tổng đốc, Dinh Bố chánh, Kho tiền, Kho vũ khí...


Kỳ đài cao 18m được xây trên mộ bệ lớn bằng đá ong (Ảnh: PTT)

Thời Nguyễn, Sơn Tây được xếp là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ, phía trong thì bảo vệ, che chở cho Thăng Long; bên ngoài thì làm bàn đạp, làm hậu cứ để triều đình bảo vệ vùng biên cương ở vùng thượng lưu sông Hồng. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nơi đây, năm 1883 đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt của nghĩa quân chống lại sự tấn công của giặc Pháp.


(Ảnh: Hà Linh)

Đến năm 1946, tại Vọng Cung - một công trình quan trọng trong Thành - đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để quyết định các vấn đề quan trọng, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.


Cổng Nam thành (Ảnh: PTT)

Đến nay, trải qua gần 200 năm thăng trầm, nhiều công trình của thành đã bị phá hủy hoặc bị xuống cấp; song, ngắm nhìn hào nước quanh co, cổng Tây, cổng Nam và một số đoạn tường thành in dấu ấn thời gian trong rêu phong cổ kính, đi dạo trên con đường nhỏ có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng, vẫn thấy được giá trị của một công trình quân sự một thời, nay là nơi thăm thú cho những người khách hoài cổ, yêu thiên nhiên. Năm 1994, Thành đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.

(Theo tài liệu Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch thị xã Sơn Tây)